Bất động sản 2019 khởi sắc nhờ vốn FDI?
Khoảng sáng về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào bất động sản trong những tháng đầu tiên của năm 2019 đang hứa hẹn những khởi sắc của thị trường.
Cụ thể, tính từ đầu năm đến cuối tháng 2/2019, tổng vốn FDI đăng ký mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư ngoại đạt gần 8,5 tỷ USD.Số này tăng hơn 2,5 lần so với cùng kỳ 2018. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút gần 7 tỷ USD, đứng đầu các ngành nghề thu hút vốn ngoại lớn nhất.
Bất động sản đứng thứ hai với gần 500 triệu USD được nhà đầu tư đăng ký, chiếm gần 6% tổng vốn các nhà đầu tư nước ngoài đổ vào 18 ngành, lĩnh vực trong 2 tháng đầu năm 2019.
Theo đối tác đầu tư, có 66 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Đáng chú ý, các nhà đầu tư Hong Kong,Singapore đã vượt qua Hàn Quốc và đang dẫn đầu danh sách rót vốn vào Việt Nam trong2 tháng đầu năm.
Trong đó, Hong Kong dẫn đầu với 4,3 tỷ USD, chiếm 51% tổng vốn đầu tư. Singapore đứng thứ 2 với 979,1 triệu USD, chiếm 11,5% tổng vốn đầu tư. Hàn Quốc đứng thứ 3 với 873 triệu USD, chiếm 10,3% tổng vốn đầu tư.
Theo địa bàn đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào 44 tỉnh, thành phố. Trong đó,Hà Nội thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất với vốn đăng ký hơn 4 tỷ USD, chiếm 47,3% tổng vốn đầu tư. TP HCM đứng thứ 2 với hơn 1 tỷ USD, chiếm 12% tổng vốn đầu tư. Bắc Ninh đứng thứ 3 với 541,7 triệu USD chiếm 6,3% tổng vốn đầu tư.
Về giải ngân, trong 2 tháng đầu năm các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được gần 2,6 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ. Con số này là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ 3 năm trở lại đây.
Đánh giá về những lợi ích mà vốn FDI đổ vào lĩnh vực bất động sản, giới chuyên môn nhìn nhận, dòng vốn ngoại này sẽ góp phần chuẩn hóa thị trường, tạo ra những giá trị theo tiêu chuẩn quốc tế, nâng tầm thị trường bất động sản Việt Nam và san sẻ nhiều gánh nặng từ thị trường tài chính.
Hiện, nhà đầu tư ngoại vào Việt Nam hiện chia thành hai nhóm. Nhóm thứ nhất quan tâm đến tài sản tạo ra dòng tiền như cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại, căn hộ dịch vụ và khách sạn nằm ở khu trung tâm. Nhóm thứ hai tập trung hướng đến việc phát triển nhà ở. Họ phối hợp với các nhà đầu tư trong nước, nhất là các doanh nghiệp có sẵn quỹ đất để xây dựng chung cư hay khu biệt thự. Hiện cuộc đua bất động sản đang trở nên nóng hơn khi có sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, ghi nhận lượng đầu tư thiết lập kỷ lục trong những năm gần đây.
Ông Nguyễn Trọng Thức,Quản lý cấp cao Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn phát triển của CBRE Việt Nam cho hay, hiện nay có nhiều yếu tố khiến Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài và các quỹ đầu tư. Tăng trưởng kinh tế Việt Nam tính đến cuối năm 2018 đạt trên 7%, là mức cao nhất trong vòng 10 năm qua, và cao so với các nước trong khu vực. Dân số Việt Nam cũng được đánh giá là dân số trẻ, thị trường bán lẻ cũng đang liên tục cập nhật các xu hướng trên thế giới… Với những tín hiệu tích cực đó, những nhà đầu tư từ Nhât Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và một số nước khác thuộc khu vực châu Á đã nghiên cứu và luôn mong muốn tìm được cơ hội phù hợp đầu tư tại Việt Nam.
Ông Thức cho hay: “Mỗi ngày,chúng tôi nhận được nhiều câu hỏi từ các nhà đầu tư này về xu hướng và mức giá thuê trên thị trường. Điều đó chứng tỏ, các nhà đầu tư nước ngoài đã và đang có sự tìm hiểu, chuẩn bị kỹ càng cho việc đầu tư tại Việt Nam. Do đó, tôi cho rằng, làn sóng đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài trong năm 2019 chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển”.
Tuy nhiên, theo ông Thức, thách thức đầu tiên cho các nhà đầu tư nước ngoài là tìm kiếm quỹ đất phù hợp. Hiện nay, quỹ đất sau một giai đoạn phát triển mạnh đã trở nên khan hiếm, nhất là những quỹ đất lớn đủ để phát triển một dự án phức hợp.Bên cạnh đó, cách thức tiếp cận thị trường phổ biến nhất của những nhà đầu tư này là thành lập liên doanh với các đơn vị của Việt Nam, những công ty đã sở hữu quỹ đất tốt, ổn định. Nhà đầu tư nước ngoài sẽ cung cấp nguồn lực tài chính và kinh nghiệm phát triển dự án. Trong tương lai xu hướng này sẽ tiếp tục, nhất là khi những địa điểm nóng trên thị trường như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Phú Quốc, Nha Trang… quỹ đất cũng đang hạn hẹp dần.
Ngoài ra, quá trình xin giấy phép tại Việt Nam hiện nay có vẻ như đang khó khăn hơn, được kiểm duyệt kỹ hơn. Đối với các đơn vị có dự án căn hộ từ giai đoạn xây dựng dự án đến giai đoạn bán ra thị trường, thời gian lâu hơn so với trước.
“Để tạo điều kiện thuận lợi trong thu hút nhà đầu tư nước ngoài, tôi cho rằngNhà nước, các đơn vị quản lý thị trường nên minh bạch hơn nữa số liệu thị trường, cơ hội đầu tư cũng nhưthông tin quy hoạch khu vực, quy hoạch dự án để những đơn vị đang tìm kiếm cơ hội phát triển dự án dễ tìm kiếm thông tin hơn”, ông Thức nhận định.
Theo NDH